Home > Tin tức > Chi tiết

Cục trưởng cục chăn nuôi sử dụng men vi sinh


 Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian qua, kết quả thử nghiệm sử dụng các chế phẩm vi sinh sử dụng trộn trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cho thấy, đàn lợn sử dụng các chế phẩm vi sinh bổ sung trong TĂCN kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh DTLCP đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay.


Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Tùng Đinh
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cung cấp tại cuộc họp về giải pháp sử dụng vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP sáng 2/7.

Cụ thể, một số mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học tại Hưng Yên cho thấy, mặc dù nằm trong vùng dịch, tuy nhiên hộ sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học đến thời điểm hiện tại, trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn trong khu vực bị nhiễm DTLCP phải tiêu hủy, nhưng cơ sở thử nghiệm hiện vẫn an toàn.

Tại Thừa Thiên - Huế, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Cty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, ban đầu ứng dụng tại một mô hình nuôi 30 con/lứa (đến nay đã có 15 mô hình nuôi 50-100 con/lứa tại gia trại của 5 huyện, thị xã tỉnh Thừa Thiên - Huế). Thời điểm chưa có DTLCP, các mô hình  sử dụng chế phẩm vi sinh ủ vào thức ăn trong thời gian từ 36-48 giờ trước khi cho ăn và trộn vào đệm lót nền (không rửa chuồng nuôi). Đệm lót thay sau 1 chu kỳ chăn nuôi (lứa lợn thịt).

Khi có DTLCP, Cty khuyến cáo thêm biện pháp đưa chế phẩm vào phun trong không gian chuồng nuôi (kết hợp với núm phun xương làm mát không khí chuồng nuôi).

Kết quả cho thấy: Trong khi hiện nay xung quanh có nhiều hộ chăn nuôi bị nhiễm DTLCP chết và tiêu hủy 100%, nhưng toàn bộ lợn của 15 hộ chăn nuôi theo mô hình của Cty Quế Lâm ở xen kẽ trong 5 huyện, thị của tỉnh Thừa Thiên Huế đều không bị nhiễm dịch.

Bên cạnh đó, chuồng nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước và rửa chuồng; tận dụng được toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ cho cây trồng. Lợn chăn nuôi theo mô hình này không dùng kháng sinh đảm bảo ATTP, tỷ lệ sống đạt tới 100%.

LÊ BỀN